Hẹn gặp lại tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 “Buôn Ma Thuột, thành phố cà phê – Nơi khởi nguồn sáng tạo”

Lễ hội thành công nhờ sự quan tâm của Trung ương, sự đồng lòng của địa phương

Phát biểu tại lễ bế mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2025, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, đại biểu trong nước và quốc tế, cùng sự đồng hành của doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã góp phần tạo nên một kỳ lễ hội thành công rực rỡ.

Lễ hội lần này được chuẩn bị kỹ lưỡng với sự phối hợp chặt chẽ của các Tiểu ban Nội dung, Truyền thông, An ninh trật tự, Lễ tân – Hậu cần, mang đến một chuỗi chương trình đa dạng, đổi mới và sáng tạo. Đặc biệt, Lễ khai mạc với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới” đã truyền tải rõ nét các thông điệp quan trọng: kế thừa giá trị truyền thống, khẳng định vị thế, hội nhập quốc tế, lan tỏa thương hiệu và khát vọng vươn xa.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2025 không chỉ là sự kiện văn hóa – kinh tế mà còn là động lực để nâng tầm thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, quảng bá văn hóa Tây Nguyên và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng trong tương lai.

Lễ hội tôn vinh giá trị lao động sản xuất, kinh doanh từ cà phê

Trong khuôn khổ của Lễ hội lần này, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê thu hút 162 đơn vị với hơn 400 gian hàng, trong đó có 32 gian hàng của 06 doanh nghiệp nước ngoài với 128.000 lượt khách (bình quân 32.000 lượt khách/ngày) tham quan hội chợ; Hội nghị kết nối giao thương quốc tếthu hút 464 đại biểu tham dự, trong đó, có 63 doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê trong nước và nước ngoài với nhiều tham luận về tiềm năng xuất khẩu cà phê của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng; Hội thảo phát triển cà phê chất lượng cao với chủ đề Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó còn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, tôn vinh như: Lễ hội đường phố với sự tham gia của 1.400 nghệ sỹ, diễn viên, học sinh, các hoa hậu, người mẫu; Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản Việt Nam là nơi hội tụ những người yêu thích, nhiệt tình, tâm huyết với cà phê chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm; Ngày hội cà phê miễn phí được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình với hơn 400 quán cà phê đăng ký phục vụ miễn phí, Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê thu hút được 6.639 du khách trong và ngoài nước; Triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Văn hóa cà phê Việt Nam” và “Lịch sử cà phê thế giới” đã trưng bày 76 tác phẩm đẹp nhất, ấn tượng nhất về cà phê và giúp mọi người hiểu hơn về lịch sử phát triển của cà phê, được lựa chọn từ 1117 tác phẩm dự thi. Các hoạt động: Hội thi Nhà nông đua tài với Chủ đề Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu với sự tham gia của 8 tỉnh, thành phố chứng tỏ được sự lan tỏa của Lễ hội đến vời các tỉnh bạn, Đua thuyền độc mộc trên Hồ Lắk, Hội Voi Buôn Đôn, Trình diễn vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn”, Lễ hội ánh sáng, các tour du lịch trải nghiệm, Triển lãm trưng bày – Hội thi Sinh vật cảnh… vừa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, vừa đậm tính hiện đại, đem lại sự phong phú, đa dạng của Lễ hội, xứng tầm là Lễ hội quốc gia.

Đặc biệt hơn nữa là thương hiệu và chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột trên trường quốc tế; quảng bá phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, với khát vọng đưa Buôn Ma Thuột trở thành “Điểm đến của cà phê thế giới”, “Thành phố cà phê thế giới”; quảng bá tiềm năng, thế mạnh để xúc tiến thương mại và đầu tư; lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống và là cơ hội để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk với các địa phương của các nước anh em, các tổ chức quốc tế.

Gặp lại nhau tại Lễ hội Cà phê lần thứ 9 với chủ đê “Buôn Ma Thuột, thành phố cà phê – Nơi khởi nguồn sáng tạo”.