Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột: Nâng tầm cà phê Việt thành văn hóa, nghệ thuật thế giới

Thông qua Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 (diễn ra từ ngày 09/3 đến ngày 13/3), tại thành phố Buôn Ma Thuột, ban tổ chức muốn nâng tầm càphê Việt Nam lên thành văn hóa và nghệ thuật của thế giới.

“Tổng Giám đốc điều hành Tổ chức Càphê Quốc tế, bà Vanusia Nogueira sẽ đến dự lễ khai mạc lễ hội và công nhận chúng ta là xứ sở của cà phê Robusta,” Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban tổ chức lễ hội, ông Nguyễn Tuấn Hà chia sẻ tại họp báo công bố sự kiện vừa diễn ra sáng nay, ngày 12/2, tại Hà Nội.

Sau 8 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành sự kiện quan trọng của ngành cà phê Việt Nam, thu hút sự quan tâm lớn từ du khách trong nước và quốc tế.

Năm 2025, lễ hội lần thứ 9 tiếp tục diễn ra với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”, bao gồm 15 hoạt động chính cùng nhiều sự kiện hưởng ứng từ các địa phương. Một số điểm nhấn mới của lễ hội năm nay gồm:
– Cuộc thi sáng tạo nội dung số tuyên truyền trên nền tảng số
– Lễ khởi công Nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend
– Hội trại cà phê “Đồng hành, chia sẻ” tại Đồn điền CADA, Krông Pắc

Ngoài ra, lễ hội còn có hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê, cuộc thi pha chế cà phê, hội thảo khoa học, lễ hội đường phố, giải đua xe địa hình quốc tế, hội voi Buôn Đôn và đua thuyền độc mộc huyện Lắk.

Đặc biệt, du khách sẽ được thưởng thức cà phê miễn phí tại hơn 500 quán trên địa bàn tỉnh. Lễ hội cũng kết hợp với các tour du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch cộng đồng, mang đến trải nghiệm đa dạng và độc đáo cho khách tham quan.

Một điểm nhấn của lễ hội là chương trình khai mạc tối ngày 10/3, tại Quảng trường 10 tháng 3. Đại diện ban tổ chức tiết lộ trong chương trình nghệ thuật này, các nghệ sỹ địa phương sẽ kể câu chuyện về hành trình hạt cà phê Robusta của Đắk Lắk đã trở thành “vàng đen” của thế giới như thế nào.

“Hạt cà phê đã thực sự góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương, khi Đắk Lắk trước đây có 80% hộ nghèo thì nay con số này giảm chỉ còn 6%. Đáng nói là sản lượng càphê mỗi năm của chúng tôi là do 80% hộ nghèo trước đây sản xuất ra,” Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh.